Ngày 16-4-2024

| Trang chủ | SiteMap | Bản đồ-VN |

  Tin tức - Sự kiện

  Dự báo thời tiết  

  Thời tiết SÂN BAY

  Ảnh mây vệ tinh

  Động đất-Sóng thần

  Biến đổi khí hậu

  Phổ biến kiến thức

  Sản phẩm và dịch vụ

  Tổng hợp e-Weather

  Photo-Video-Media

  Thống kê bài đọc (*)

Earthquake/Tsunami map


See net-traffic

www.thoitiet.net
Phổ biến kiến thức

LUẬT KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN (Dự thảo 2.0)

Cập nhật: 30/9/2014, 16:23.  So lan doc: 13906

CHƯƠNG I                 

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

  Điều 1.                Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về các hoạt động khí tượng thủy văn quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.

Điều 2.                Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức quốc tế tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3.                Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.  Hoạt động khí tượng thủy văn là các hoạt động quan trắc dự báo, cảnh báo phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn giám sát biến đổi khí hậu và tác động vào thời tiết.

2.  Quan trắc khí tượng là việc quan sát, đo đạc có hệ thống các thông số vật lý, hóa học của khí quyển và các hiện tượng tự nhiên xảy ra trong tầng khí quyển gần trái đất.

3.  Quan trắc thủy văn là việc quan sát, đo đạc có hệ thống các thông số vật lý, hóa học của nước mưa, nước trong sông và hồ.

4.  Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là việc cung cấp thông tin về diễn biến trong tương lai của các yếu tố hoặc hiện tượng khí tượng thủy văn.

5.  Thiên tai khí tượng thủy văn là các hiện tượng khí tượng, thủy văn, hải văn bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế, xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối và các loại thiên tai khác. 

6.  Công trình khí tượng thủy văn là cơ sở vật chất, kỹ thuật được lắp đặt phương tiện đo, thiết bị thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn.

7.  Trạm khí tượng thủy văn là nơi đặt công trình khí tượng thủy văn để thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn. Trạm khí tượng thủy văn bao gồm các loại: trạm khí tượng, trạm thủy văn, trạm đo mưa, trạm khí tượng cao không, trạm ra đa thời tiết, trạm định vị sét, trạm hải văn, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm giám sát biến đổi khí hậu và các loại trạm chuyên đề khác.

8.  Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn là khoảng không, diện tích mặt đất, mặt nước, dưới nước cần thiết để bảo đảm công trình khí tượng thủy văn hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật dữ liệu khí tượng thuỷ văn thu được từ các công trình đó phản ánh khách quan tính tự nhiên của khu vực, bảo đảm độ chính xác theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

9.  Phương tiện đo khí tượng thủy văn là phương tiện kỹ thuật để quan trắc, đo đạc các yếu tố và hiện tượng khí tượng thủy văn.

10.            Tác động vào thời tiết là tác động nhân tạo, cục bộ lên các quá trình vật lý và hoá học của khí quyển thông qua các phương tiện khoa học công nghệ nhằm ngăn ngừa hay giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết thuận lợi phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội.

11.            Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu được quy trực tiếp hay gián tiếp cho các hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào biến động khí hậu tự nhiên trong các khoảng thời gian có thể so sánh được.

12.            Giám sát biến đổi khí hậu là quá trình theo dõi, thu thập, phân tích, đánh giá diễn biến của khí hậu trong khoảng thời gian dài để tìm ra các quy luật biến đổi của khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, sinh thái, các hoạt động kinh tế, xã hội.

13.            Phục vụ khí tượng thủy văn là việc cung cấp và hướng dẫn sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu nhằm mục đích phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế, xã hội, phòng, chống thiên tai.

14.            Dịch vụ khí tượng thủy văn là hoạt động cung cấp thông tin, dữ liệu tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu nhằm phục vụ mục đích dùng riêng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ khí tượng thủy văn.

Điều 4.                Nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn 

1.  Bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam.

2.  Quản lý hoạt động khí tượng thủy văn được thực hiện theo hệ thống thống nhất từ Trung ương đến địa phương kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính.

3.  Hoạt động khí tượng thủy văn tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

4.  Cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai.

5.  Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.

Điều 5.                Chính sách của nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn

1.  Bảo đảm kinh phí hoạt động cho các cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước trong việc xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ khí tượng thủy văn.

2.  Ưu tiên xây dựng mạng viễn thông dùng riêng và sử dụng các mạng viễn thông quốc gia cho hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.  Chú trọng truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu khai thác, sử dụng hiệu quả thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong sản xuất, đời sống và phòng chống thiên tai.

4.  Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu, khuyến khích xã hội hoá, thương mại hoá các hoạt động khí tượng thủy văn và sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

5.  Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai đảm bảo hoạt động của các công trình khí tượng thủy văn theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

6.  Tăng cường đào tạo, thu hút, đãi ngộ, sử dụng người làm công tác khí tượng thủy văn ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo có chính sách ưu tiên, đãi ngộ người có trình độ cao vào làm việc trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.

7.  Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

8.  Mở rộng hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghĩa vụ thành viên các tổ chức quốc tế về khí tượng thủy văn.

Điều 6.                Những hành vi bị cấm trong hoạt động khí tượng thủy văn

1.  Xâm hại các công trình khí tượng thủy văn, bao gồm:

a) Lấn, chiếm đất, diện tích mặt nước thuộc phạm vi công trình vi phạm quy định về hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

b) Cố ý cản trở việc quản lý, khai thác, sử dụng công trình khí tượng thủy văn.

c) Xâm hại công trình, phương tiện đo, thiết bị truyền, nhận thông tin và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của công trình khí tượng thủy văn.

2.  Quản lý, lắp đặt, khai thác, sử dụng công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn trái quy định của pháp luật.

3.  Hoạt động khí tượng thủy văn không có giấy phép theo quy định của pháp luật hoặc trái với giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

4.  Vi phạm các quy định về hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trái quy định của pháp luật.

5.  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc vượt quá quyền hạn của người có thẩm quyền để làm trái quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

6.  Lợi dụng các hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

7.  Các hành vi khác vi phạm quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 7.                Phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu

1.  Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn các cấp có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các hình thức phổ biến, tuyên truyền về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

2.  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức phổ biến, giáo dục về vai trò, hoạt động khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

3.  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

 

CHƯƠNG II           

QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Điều 8.                Mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn

1.  Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn cơ bản, do cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước xây dựng, quản lý và khai thác.

2.  Mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

Mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu thực hiện giám sát biến đổi khí hậu, bao gồm các trạm khí tượng thủy văn phù hợp, được lựa chọn từ mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoặc được xây dựng mới, do cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác.

3.  Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng, do các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác.

4.  Mạng lưới điểm, trạm khảo sát khí tượng thủy văn

Mạng lưới điểm, trạm khảo sát khí tượng thủy văn trên đất liền, trên biển thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo chương trình riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9.                Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

1.  Mục đích của quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

a)  Đáp ứng yêu cầu xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

b) Làm căn cứ cho các hoạt động quan trắc, dự báo, phục vụ khí tượng thủy văn phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2.  Căn cứ xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước, chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn, chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

b) Kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia kỳ trước chiến lược, quy hoạch phát triển ngành khí tượng thủy văn chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

c) Tiến bộ khoa học, công nghệ về quan trắc, đo đạc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.  Nội dung quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

a) Xác định các yêu cầu thông tin khí tượng thủy văn đối với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

b) Đánh giá tổng quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường, hiện trạng hoạt động khí tượng thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu

c) Đánh giá việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành khí tượng thủy văn

d) Xác định số lượng, vị trí, nội dung quan trắc của từng loại trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia.

4.  Kỳ quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia được quy hoạch theo chu kỳ 10 năm và được rà soát, điều chỉnh định kỳ 5 năm hoặc khi có yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

5.  Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6.  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều này và yêu cầu thực tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.

Điều 10.      Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn

1.  Công trình khí tượng thủy văn được bảo đảm hành lang kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2.  Hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn được quy định chi tiết đối với từng loại công trình khí tượng thủy văn.

3.  Chính phủ quy định chi tiết hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

Điều 11.      Quản lý công trình khí tượng thuỷ văn

1.  Nội dung quản lý công trình khí tượng thủy văn

a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn

b) Phân loại, đầu tư, mở rộng, nâng cấp công trình khí tượng thủy văn trong mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

c) Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, hướng dẫn kỹ thuật việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn

d) Đánh giá chất lượng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn thu thập được từ công trình khí tượng thủy văn.

đ) Thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, cải tạo, mở rộng và di chuyển các công trình khí tượng thuỷ văn thuộc thẩm quyền quản lý

e) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công trình khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật về đất đai

g)  Bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan

h) Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn

i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp hoặc các vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều này.

3. Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện các quy định tại điểm đ, e, g, h, i khoản 1 Điều này.

Điều 12.      Khai thác công trình khí tượng thuỷ văn

1.  Trách nhiệm của cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước trong khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia:

a) Vận hành công trình quan trắc, phương tiện đo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành

b) Quan trắc, thu thập các thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn và các thông tin khác có liên quan trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu

c) Lưu trữ và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật

d) Nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào việc khai thác công trình khí tượng thuỷ văn.

2.  Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong khai thác công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng:

a) Vận hành công trình khí tượng thủy văn, phương tiện đo, thiết bị theo quy chuẩn, quy trình kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn ban hành

b) Lưu trữ và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo thỏa thuận của chủ công trình với người sử dụng và theo quy định của pháp luật.

Điều 13.      Thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

1.  Thành lập trạm khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia phải theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

2.  Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng mới các trạm khí tượng thủy văn, trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia chưa có trong quy hoạch.

3.  Chỉ di chuyển hoặc giải thể trạm khí tượng thủy văn, trạm giám sát biến đổi khí hậu vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc phục vụ dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4.  Khi di chuyển hoặc xây dựng trạm mới thay thế, phải tổ chức quan trắc song song giữa trạm cũ và trạm mới và bảo đảm tính đồng nhất, liên tục, đầy đủ trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trao đổi quốc tế.

5.    Thủ tướng Chính phủ quyết định việc di chuyển hoặc giải thể trạm khí tượng thủy văn, trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia vì mục đích quốc phòng, an ninh phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

6.  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn, trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 14.      Bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn

1.  Lập bản đồ mạng lưới công trình, xây dựng hồ sơ, chỉ giới đất công trình và thông báo công khai cho chính quyền địa phương và nhân dân biết.

2.  Ngăn chặn các hành vi xâm hại công trình quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật này.

3.  Thực hiện các biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, hoả hoạn và các trường hợp rủi ro khác gây ra.

4.  Bảo dưỡng, tu bổ, sửa chữa công trình theo tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

5.  Bảo mật và bảo quản thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc được tại công trình.

6.  Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn.

Điều 15.      Yêu cầu quan trắc khí tượng thủy văn

1.  Đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia:

a) Quan trắc phải đồng bộ, liên tục trên toàn mạng lưới trạm theo quy chuẩn, quy trình kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành

b) Kết quả quan trắc phải phản ánh khách quan điều kiện tự nhiên của khu vực, thực trạng của các hiện tượng khí tượng thủy văn

c) Cung cấp kịp thời kết quả quan trắc về cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước cấp trên theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn

d) Quan trắc tại các trạm khí tượng phát báo quốc tế, trạm thủy văn giám sát nước sông quốc tế, sông xuyên biên giới được thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2.  Đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng:

a) Đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí tượng thủy văn do cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn ban hành

b) Thực hiện nội dung quan trắc theo yêu cầu của chủ đầu tư công trình

c) Các công trình khí tượng, khí tượng hải văn lắp đặt trên giàn khoan, tàu biển, tàu bay hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm báo cáo kết quả quan trắc được về cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.

Điều 16.      Điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn

1.  Nội dung điều tra, khảo sát

a) Xác định vị trí điểm, trạm, khu vực điều tra khảo sát trên đất liền hoặc tọa độ lưới điểm, trạm điều tra khảo sát trên biển

b) Xây dựng các công trình khí tượng thủy văn tạm thời phục vụ mục đích điều tra, khảo sát theo kế hoạch hoặc điều tra khảo sát đột xuất sau thiên tai

c) Quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng thủy văn, các yếu tố khác có liên quan và địa hình khu vực khảo sát

d) Tính toán các yếu tố khí tượng thủy văn của khu vực khảo sát, tính toán hoàn nguyên các hiện tượng thiên tai khí tượng thủy văn.

2.  Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, thẩm định, công bố kết quả điều tra, khảo sát

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch, tổ chức thẩm định, công bố kết quả điều tra, khảo sát của các cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước

b) Các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt kế hoạch, tổ chức thẩm định, công bố kết quả điều tra, khảo sát đối với các hoạt động điều tra, khảo sát của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.

Điều 17.      Quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn

1.  Nội dung quản lý chất lượng phương tiện đo khí tượng thủy văn

a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật về kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn

b) Ban hành danh mục phương tiện đo phương tiện đo phải kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường và Luật này

c) Quy định về hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trong phạm vi cả nước

d) Quản lý chuẩn đo lường, so sánh với chuẩn quốc tế hoặc với chuẩn quốc gia

đ) Kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo sử dụng trên mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn.

2.  Hệ thống kiểm định hiệu chuẩn

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước

b) Hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng, thủy văn gồm cấp Trung ương và cấp khu vực.

3.  Trách nhiệm kiểm định, hiệu chuẩn của cấp Trung ương

a) Giữ, sử dụng chuẩn chính theo quy định

b) Định kỳ so chuẩn với chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế

c) Hiệu chuẩn hoặc so sánh để truyền chuẩn chính cho chuẩn công tác

d) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa phương tiện đo khí tượng thủy văn theo thẩm quyền

đ) Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về đo lường.

4.  Trách nhiệm kiểm định, hiệu chuẩn của cấp khu vực

a) Giữ, sử dụng chuẩn công tác theo quy định

b) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa phương tiện đo khí tượng thủy văn trong khu vực thuộc thẩm quyền quản lý

c) Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về đo lường.

5.  Kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn

a) Phương tiện đo trước khi sử dụng lần đầu trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, sau khi sửa chữa và sau thời hạn sử dụng theo quy định phải được kiểm định, hiệu chuẩn

b) Đối với phương tiện đo không thể kiểm định, hiệu chuẩn hoặc không thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thì phải có hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định

c) Phương tiện đo mới sản xuất hoặc nhập khẩu lần đầu với mục đích sử dụng trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu, phải thử nghiệm trước khi được phê duyệt, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về đo lường

d) Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo khí tượng thủy văn cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

6.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết Điều này.

 

CHƯƠNG III     

DỰ BÁO, CẢNH BÁO KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN

Điều 18.      Nội dung hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn 

1.  Thu thập, xử lý, phân tích, lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và các thông tin, dữ liệu liên quan trên phạm vi cả nước, khu vực, thế giới.

2.  Xây dựng, ban hành tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

3.  Cung cấp các tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, các phương tiện thông tin đại chúng và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

4.  Hướng dẫn sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

5.  Đánh giá chất lượng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Điều 19.      Yêu cầu kỹ thuật đối với dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1.  Thông tin, dữ liệu, yếu tố dự báo, cảnh báo và tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải có nội dung, hình thức, tần suất phù hợp với kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

2.  Tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải kịp thời, có độ tin cậy cao, dễ hiểu, phù hợp với ngôn ngữ phổ thông, trường hợp cần thiết phải được chuyển tải sang ngôn ngữ dân tộc.

Điều 20.      Loại tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1.  Tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn bao gồm:

a) Dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn

b) Dự báo, cảnh báo khí hậu, nguồn nước

c) Dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn

d) Dự báo chuyên đề theo yêu cầu của người sử dụng

đ) Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đặc biệt theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2.  Thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn bao gồm:

a) Dự báo, cảnh báo hạn cực ngắn

b) Dự báo, cảnh báo hạn ngắn

c) Dự báo, cảnh báo hạn vừa

d) Dự báo, cảnh báo hạn dài

đ) Dự báo khí hậu.

Điều 21.      Nội dung tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1.  Thông tin về thực trạng thời tiết, thủy văn, cường độ, mức độ các hiện tượng khí tượng thủy văn thiên tai khí tượng thủy văn tại thời điểm gần nhất.

2.  Dự báo diễn biến của các hiện tượng khí tượng thủy văn thiên tai khí tượng thủy văn trong thời hạn dự báo của từng loại bản tin, quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật này.

3.  Cảnh báo ảnh hưởng của các hiện tượng khí tượng thủy văn thiên tai khí tượng thủy văn đối với sản xuất, đời sống, môi trường và các hoạt động kinh tế, xã hội.

4.  Trong tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng, thủy văn phải đồng thời ban hành dự báo, cảnh báo về cấp độ rủi ro thiên tai của loại thiên tai được dự báo, cảnh báo.

Điều 22.      Hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn

1.  Tổ chức hoạt động của hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn  

Hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được tổ chức thống nhất theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương hoạt động theo nguyên tắc cơ quan dự báo, cảnh báo cấp cao hơn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan dự báo, cảnh báo cấp thấp hơn.

2.  Hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn bao gồm:

a) Cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp trung ương

b) Cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp khu vực

c) Cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp tỉnh.

Điều 23.      Trách nhiệm của hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn

1.  Cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp trung ương

a) Thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật này

b) Ban hành tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo khu vực và trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam

c) Cung cấp, hướng dẫn sử dụng các thông tin, dữ liệu, sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và liên quan cho các cơ quan dự báo, cảnh báo cấp khu vực và cấp tỉnh phục vụ hoạt động dự báo, cảnh báo ở địa phương

d) Đầu mối quốc gia thu nhận thông tin khí tượng thủy văn của các nước, các tổ chức khí tượng thủy văn quốc tế và chuyển phát thông tin khí tượng thủy văn của Việt Nam ra quốc tế

đ)  Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan dự báo, cảnh báo cấp khu vực, cấp tỉnh

e) Hàng năm công bố kết quả đánh giá chất lượng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

g) Lưu trữ thông tin, dữ liệu, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định.

2.  Cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp khu vực

a) Thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật này trong phạm vi khu vực

b) Ban hành tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi khu vực

c) Cung cấp, hướng dẫn sử dụng thông tin, dữ liệu, tin dự báo, cảnh báo và các sản phẩm dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn liên quan cho các cơ quan dự báo, cảnh báo cấp tỉnh phục vụ hoạt động dự báo, cảnh báo ở địa phương

d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc đảm bảo thông tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ cộng đồng trong phạm vi khu vực

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả về chuyên môn, nghiệp vụ của   cơ quan dự báo, cảnh báo cấp tỉnh

e) Hàng năm công bố kết quả đánh giá chất lượng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn các địa phương trong phạm vi khu vực.

3.  Cơ quan dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cấp tỉnh

a) Thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật này trong phạm vi tỉnh

b) Ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi tỉnh

c) Cung cấp tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi tỉnh

d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai, bảo vệ cộng đồng trong phạm vi tỉnh.

đ) Hàng năm công bố kết quả đánh giá chất lượng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn các địa phương trong phạm vi tỉnh.

Điều 24.      Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân

1.  Tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải có đủ tiêu chuẩn năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ và các điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp do Chính phủ quy định.

2.  Tổ chức, cá nhân dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cấp giấy phép, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 Luật này.

3.  Chính phủ quy định cụ thể việc cấp giấy phép dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của các tổ chức, cá nhân.

Điều 25.      Trách nhiệm truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn

1.  Các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, phương tiện thông tin đại chúng và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

2.  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng sau khi nhận được tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm truyền, phát theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

3.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân trong truyền phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Điều 26.      Sử dụng tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thuỷ văn

1.  Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và trách nhiệm theo điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết phải sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ban hành.

2.  Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mới nhất trong phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai.

Điều 27.      Quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

1.  Thống nhất quản lý các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước.

2.  Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định phương pháp, quy trình công nghệ, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

3.  Đánh giá chất lượng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.

4.  Nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

5.  Quản lý việc cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với các nước, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật có liên quan.

6.  Hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

7.  Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn có trách nhiệm quản lý hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

 

CHƯƠNG IV   

THÔNG TIN, DỮ LIỆU KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN

 

Điều 28.      Nội dung thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1.  Thông tin, dữ liệu thu thập được từ hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn, bao gồm:

a) Số liệu khí tượng: nhiệt độ không khí, áp suất không khí, độ ẩm không khí, mưa, gió, thời gian nắng, bức xạ, lượng mây, loại mây, số liệu quan trắc bằng vệ tinh, số liệu ra đa thời tiết, số liệu quan trắc định vị sét, số liệu về chất lượng không khí và các hiện tượng thời tiết khác

b) Số liệu thủy văn: mực nước, lưu lượng nước, lưu lượng chất lơ lửng, lưu lượng chất di đáy, tốc độ dòng chảy, độ mặn, độ pH, nhiệt độ nước và các số liệu khác về chất lượng nước sông, hồ

c) Số liệu hải văn: mực nước biển, sóng biển, dòng chảy biển, độ mặn, độ pH, nhiệt độ nước biển và các số liệu khác về chất lượng nước biển

d) Số liệu khí tượng thủy văn thu nhận từ hệ thống thông tin toàn cầu và các kênh thông tin quốc tế

đ) Số liệu điều tra, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn

e) Các thông tin mô tả về nguồn gốc, số lượng, chất lượng số liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ Điều này.

2.  Thông tin, dữ liệu từ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, bao gồm:

a) Bản tin dự báo, cảnh báo

b) Diễn biến thực tế của các hiện tượng khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn đã được dự báo, cảnh báo

c) Số liệu về ảnh hưởng của các hiện tượng khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn đối với tính mạng, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế, xã hội

d) Số liệu về chất lượng tin dự báo, cảnh báo

đ) Các sản phẩm từ hoạt động thu thập, phân tích, xử lý số liệu, mô hình dự báo, cảnh báo.

3.    Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn từ hoạt động quản lý khí tượng thủy văn, bao gồm:

a) Hồ sơ kỹ thuật của các công trình, phương tiện đo khí tượng thuỷ văn

b) Kết quả cấp, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép về hoạt động khí tượng thủy văn

c) Văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn kỹ thuật về khí tượng thủy văn.

4.  Kết quả nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

5.  Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn thu được từ các nguồn khác.

Điều 29.      Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia

1.  Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia bao gồm thông tin, dữ liệu quy định tại Điều 28 Luật này.

2.  Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia

b) Tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia

c) Tổ chức thẩm định các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn do các tổ chức, cá nhân giao nộp

d) Định kỳ hàng năm công bố tóm tắt thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

đ) Tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

3.  Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân quản lý công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng:

a) Giao nộp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn từ mạng lưới quan trắc thuộc quyền quản lý về Bộ Tài nguyên và Môi trường

b) Được bảo hộ giá trị pháp lý đối với thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn thuộc quyền sở hữu

c) Được khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 30.      Lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1.  Lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và các tài liệu liên quan đến khí tượng thủy văn là lưu trữ chuyên ngành, được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2.  Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn là tài sản quốc gia được bảo quản và lưu trữ lâu dài.

3.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ tổ chức lưu trữ và bảo quản thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Điều 31.      Giá trị pháp lý của thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1.  Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có giá trị pháp lý sau khi được cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước có thẩm quyền thẩm định.

2.  Tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có giá trị pháp lý trong xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

3.  Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 32.      Bảo mật thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1.  Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được phân loại và bảo vệ bí mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2.  Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn có trách nhiệm phân loại và bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 33.      Trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quốc tế

1.  Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia là đầu mối thực hiện việc trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quốc tế theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2.  Mọi hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.  Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 34.      Nghĩa vụ tài chính trong khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn

1.  Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn vì các mục đích sau đây không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính:

a) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng không vì mục đích lợi nhuận

b) Phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai

c) Trao đổi thông tin với nước ngoài, tổ chức quốc tế theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2.  Tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

3.  Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể Khoản 2 Điều này.

 

CHƯƠNG V         

PHỤC VỤ, DỊCH VỤ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

 

Điều 35.      Nội dung phục vụ, dịch vụ khí tượng thuỷ văn

1.  Cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

2.  Cung cấp tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thông tin về kịch bản biến đổi khí hậu.

3.  Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

4.  Hướng dẫn việc sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

5.  Xây dựng, lắp đặt, hướng dẫn, khai thác và sử dụng công trình, phương tiện quan trắc khí tượng thủy văn.

6.  Xây dựng hệ thống thông tin truyền thông khí tượng thủy văn.

7.  Hoạt động tư vấn về khí tượng thủy văn.

8.  Đào tạo nguồn nhân lực khí tượng thủy văn.

Điều 36.      Tổ chức hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn

1.  Cơ quan khí tượng thủy văn của nhà nước có trách nhiệm tổ chức phục vụ khí tượng thủy văn đối với nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 6 Điều 35 cho các mục đích quy định tại khoản 1 Điều 34 cung cấp dịch vụ đối với các nội dung khác theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan.

2.  Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn theo nội dung giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3.  Chính phủ quy định cụ thể việc cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân.

Điều 37.      Quản lý hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn

1.  Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung, hình thức, điều kiện hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn.

2.  Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ khí tượng thủy văn.

3.  Tổ chức cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn.

4.  Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn.

5.  Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn chịu trách nhiệm quản lý hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn quy định tại Điều này.

 

CHƯƠNG VI   

GIÁM SÁT BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

 

Điều 38.      Nội dung giám sát biến đổi khí hậu

1.  Xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia.

2.  Thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc tại mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu và từ các nguồn khác.

3.  Xây dựng bộ chuẩn khí hậu quốc gia.

4.  Phân tích, đánh giá những biểu hiện của biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, sinh thái, các hoạt động kinh tế, xã hội.

5.  Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực.

6.  Đánh giá khí hậu quốc gia.

7.  Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu.

8.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung giám sát biến đổi khí hậu theo quy định tại Điều này.

Điều 39.      Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu

1.  Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu thuộc thành phần của cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia là cơ sở pháp lý phục vụ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

2.  Nội dung cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu:

a) Thông tin, dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn trong quá khứ và hiện tại, quan trắc được tại các trạm trong mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia

b) Bộ chuẩn khí hậu quốc gia

c) Thông tin, dữ liệu và tác động của thiên tai khí tượng thủy văn đến môi trường, điều kiện sống, hoạt động kinh tế, xã hội

d) Thông tin, dữ liệu về lượng phát thải khí nhà kính và các hoạt động kinh tế, xã hội có liên quan đến phát thải khí nhà kính

đ) Kịch bản biến đổi khí hậu các thời kỳ

e) Các thông tin, dữ liệu khác có liên quan.

3.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu.

Điều 40.      Phát triển dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện biến đổi khí hậu 

1.  Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động của các loại thiên tai khí tượng thủy văn quy mô lớn, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại và các loại thiên tai khác.

2.  Điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy trình công nghệ dự báo, cảnh báo các loại thiên tai khí tượng thủy văn trong điều kiện biến đổi khí hậu quy định tại khoản 1 Điều này.

3.  Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc tế trong khu vực, trên thế giới.

Điều 41.      Đánh giá khí hậu quốc gia

1.  Định kỳ 10 năm một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, tổ chức đánh giá và công bố kết quả đánh giá khí hậu quốc gia.

2.  Nội dung đánh giá khí hậu quốc gia

a) Thực trạng khí hậu Việt Nam đến năm cuối của chu kỳ đánh giá

b) Dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam so với lịch sử, chu kỳ đánh giá trước đó và so sánh với bộ chuẩn khí hậu quốc gia và quốc tế

c) Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế, xã hội

d) Kết quả ứng phó với biến đổi khí hậu

đ) Mức độ chính xác của kịch bản biến đổi khí hậu, việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

e) Các nội dung khác có liên quan.

Điều 42.      Kịch bản biến đổi khí hậu 

1.  Định kỳ 05 năm một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức xây dựng, công bố, hướng dẫn sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam.

2.  Nội dung cơ bản của kịch bản biến đổi khí hậu:

a) Kết quả nghiên cứu được công bố của tổ chức quốc tế có thẩm quyền liên quan về biểu hiện của biến đổi khí hậu trên thế giới, trong khu vực

b) Kết quả nghiên cứu về biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam

c) Đánh giá các kịch bản biến đổi khí hậu chu kỳ trước đó

d) Chế độ nhiệt chế độ mưa ẩm và nước biển dâng tại Việt Nam

đ) Hướng dẫn sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

e) Các nội dung khác có liên quan.

Điều 43.      Lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội

1.  Yêu cầu của việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu

Việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu phải phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, chu kỳ phát triển, phân kỳ đầu tư và bảo đảm tính khả thi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án.

2.  Đối tượng phải thực hiện lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, tùy theo mức độ phải lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu theo quy định tại Điều 38 và khoản 1 Điều này

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết phương pháp, quy trình, nội dung, hình thức, mức độ lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu quy định tại Điều này.

3.  Trách nhiệm tổ chức thẩm định việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức thẩm định việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

 

CHƯƠNG VII                           

TÁC ĐỘNG VÀO THỜI TIẾT

 

Điều 44.      Mục đích, nguyên tắc của tác động vào thời tiết

1.  Tác động vào thời tiết nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết mới thuận lợi hơn cho sản xuất, đời sống và hoạt động kinh tế, xã hội, được thực hiện cho một khu vực cụ thể, trong thời hạn nhất định.

2.  Tác động vào thời tiết cho khu vực này không được làm cản trở đối với hoạt động kinh tế xã hội của khu vực khác, không dẫn đến phá vỡ cân bằng tự nhiên, phá hoại môi trường sinh thái.

3.  Tác động vào thời tiết chỉ được thực hiện theo kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, trừ trường hợp đặc biệt cần tác động vào thời tiết vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phục vụ kinh tế, xã hội theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 45.      Nội dung tác động vào thời tiết

1.  Tác động vào mây nhằm giảm cường độ mưa hoặc không xảy ra mưa.

2.  Tác động vào mây nhằm mục đích gây mưa.

3.  Tác động vào mây nhằm mục đích phá hoặc giảm cường độ mưa đá.

4.  Phá hoặc giảm cường độ sương mù.

Điều 46.      Phạm vi tác động vào thời tiết

Tác động vào thời tiết được thực hiện tại khu vực có điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng phù hợp và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 47.      Cơ quan, tổ chức thực hiện tác động vào thời tiết

1.  Cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước.

2.  Cơ quan, tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức kinh tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

3.  Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được thực hiện tác động vào thời tiết trên cơ sở liên danh, liên kết với cơ quan, tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức kinh tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Điều 48.      Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết

1.  Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết trong phạm vi liên quan tới 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2.  Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết trong phạm vi địa phương quản lý, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

 

CHƯƠNG VIII                     

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN

 

Điều 49.      Nguyên tắc hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn

1.  Tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm lợi ích quốc gia.

2.  Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trong các tổ chức quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên.

3.  Ưu tiên các hoạt động trao đổi thông tin và dữ liệu, đào tạo và chuyển giao công nghệ về khí tượng, thủy văn nhằm phục vụ phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

4.  Tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 50.      Nội dung hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn.

1.  Cung cấp, phát báo dữ liệu quan trắc và các thông tin khí tượng thủy văn cho cơ quan, tổ chức quốc tế theo các điều ước đã được ký kết.

2.  Thu nhận dữ liệu quan trắc và các thông tin phục vụ dự báo khí tượng thủy văn từ nước ngoài theo các điều ước và thỏa thuận đã được ký kết.

3.  Tổ chức và tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn trong phạm vi quản lý.

4.  Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu trong các chương trình, dự án song phương, khu vực hoặc toàn cầu.

5.  Hợp tác, trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ và đào tạo với các nước hoặc các tổ chức quốc tế.

Điều 51.      Cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế khí tượng thủy văn

Cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước cấp Trung ương là cơ quan đầu mối hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

 

CHƯƠNG IX   

KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT

TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN

 

Điều 52.      Kiểm tra, thanh tra về khí tượng thủy văn

1.  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.

2.  Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về khí tượng thủy văn đối với hoạt động khí tượng thủy văn thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

3.  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật trên địa bàn.

4.  Cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khí tượng thủy văn.

5.  Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Điều 53.      Trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn kiểm tra, thanh tra khí tượng thủy văn

1.  Trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Kiểm tra, thanh tra hoạt động khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về khí tượng thủy văn của các đơn vị quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

2.  Trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn ở địa phương

Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn của các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn địa phương.

Điều 54.      Nội dung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành khí tượng thủy văn

1.  Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

2.  Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3.  Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, bao gồm:

a) Quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn

b) Xây dựng, quản lý hoạt động quan trắc của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng

c) Quản lý, lắp đặt, khai thác, sử dụng phương tiện đo khí tượng thủy văn, định vị sét

d) Hoạt động dự báo, phát hành, cung cấp, truyền phát và sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

đ) Quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường

e) Hoạt động tác động vào thời tiết

g) Các hoạt động khí tượng thủy văn khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 55.      Xử lý vi phạm

1.  Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2.  Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 56.      Tranh chấp và giải quyết tranh chấp về khí tượng thuỷ văn  

1.  Nội dung tranh chấp về khí tượng thủy văn gồm:

a) Tranh chấp về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn

b) Tranh chấp về hoạt động dự báo, phát hành, cung cấp, truyền phát và sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

c) Tranh chấp về quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

2.  Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn trên địa bàn quản lý trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên tranh chấp có quyền khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

3.  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Giải quyết tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật

b) Giải quyết tranh chấp về khí tượng thủy văn giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện với nhau

c) Giải quyết tranh chấp đã có quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện nhưng các bên tranh chấp không đồng ý.

4.  Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Giải quyết tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật

b) Giải quyết tranh chấp khác về khí tượng thủy văn giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5.  Yêu cầu về bồi thường thiệt hại liên quan đến giải quyết tranh chấp về khí tượng thủy văn được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Điều 57.      Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về khí tượng thủy văn

1.  Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

2.  Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

3.  Thời hiệu khởi kiện về khí tượng thủy văn được tính từ thời điểm cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

CHƯƠNG X         

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

VỀ KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN

 

Điều 58.      Nội dung quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn

1.  Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn.

2.  Xây dựng, chỉ đạo tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khí tượng thủy văn.

3.  Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.

4.  Lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia.

5.  Hướng dẫn khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.

6.  Quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.

7.  Quản lý các hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu.

8.  Tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

9.  Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khí tượng thủy văn công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin phục vụ mục đích quản lý, nghiên cứu khoa học, giáo dục, tuyên truyền về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

10.            Hướng dẫn, tổ chức thẩm định theo thẩm quyền việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, phương tiện đo khí tượng thủy văn trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

11.            Hướng dẫn, tổ chức thẩm định việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội.

12.            Cấp phép hoạt động khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.

13.            Hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn.

14.            Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.

Điều 59.      Trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của Chính phủ

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước.

Điều 60.      Trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước có trách nhiệm sau đây:

1.  Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về khí tượng thủy văn.

2.  Chủ trì xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.

3.  Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia.

4.  Hướng dẫn khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn.

5.  Thống nhất quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu.

6.  Thống nhất quản lý, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn, cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, phòng chống sét.

7.  Thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

8.  Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khí tượng thủy văn công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin phục vụ mục đích quản lý, nghiên cứu khoa học, giáo dục, tuyên truyền về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

9.  Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thẩm định việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, phương tiện đo khí tượng thủy văn trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

10.            Hướng dẫn, tổ chức thẩm định việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội.

11.            Cấp phép hoạt động khí tượng thủy văn theo thẩm quyền thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn chuyên dùng, giải pháp, thiết kế của công trình, thiết bị chống sét theo quy định của pháp luật.

12.            Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu chủ trì các hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn.

13.            Đại diện của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và các tổ chức quốc tế khác có liên quan đến khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

14.            Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.

Điều 61.      Trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan

1.  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trên hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần thuộc phạm vi quản lý

b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp và phát triển nông thông khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong phòng, chống thiên tai, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn

c) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.

2.  Bộ Quốc phòng có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quy định về tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh

c) Ban hành các quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn quan trắc được từ mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh với cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước theo quy định của Luật này và pháp luật về quốc phòng

d) Thông báo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn về việc di chuyển, thay đổi công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.

3.  Bộ Thông tin Truyền thông có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành lập quy hoạch, ưu tiên phân bổ tần số phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo quy định của Luật này và pháp luật về viễn thông

b) Đảm bảo thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật này và pháp luật về báo chí

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, hướng dẫn sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

4.  Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về sử dụng, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng trong nước và quốc tế phục vụ hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng đáp ứng yêu cầu quản lý bay quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng hàng không

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không theo quy định của Luật này và pháp luật về hàng không dân dụng

c) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trong quản lý, khai thác, bảo vệ công trình khí tượng hàng không thuộc phạm vi quản lý

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.

5.  Bộ Công Thương có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công thương khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành các công trình thủy điện trên phạm vi cả nước

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.

6.  Bộ Xây dựng có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ngành xây dựng khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong quy hoạch, xây dựng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.

7.  Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện  các quy định về sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, kịch bản biến đổi khí hậu trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý.

Điều 62.      Trách nhiệm quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn của Uỷ ban nhân dân các cấp

1.  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu

b) Cấp giấy phép hoạt động khí tượng thủy văn theo thẩm quyền thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, phương tiện đo khí tượng thủy văn chuyên dùng, định vị sét theo quy định của pháp luật

c) Tổ chức thẩm định theo thẩm quyền việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn

d) Tổ chức thẩm định theo thẩm quyền việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội.

đ) Giải quyết các vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn trên địa bàn

e) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình thiên tai, thời tiết, khí hậu trên địa bàn

g) Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý

h) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu

i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.

2.  Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Giám sát việc chấp hành pháp luật về khí tượng thủy văn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tổ chức bảo vệ các công trình khí tượng thủy văn của Nhà nước trên địa bàn quản lý

b) Theo dõi, đánh giá, sử dụng các tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ các nhu cầu kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai trên địa bàn quản lý

c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn tham gia giải quyết, xử lý vi phạm về khí tượng thủy văn theo thẩm quyền

d) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn

đ) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn theo phân cấp hoặc uỷ quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3.  Cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn

b) Cơ quan tài nguyên và môi trường cấp huyện và cán bộ, công chức chuyên môn về tài nguyên và môi trường cấp xã có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên địa bàn.

Điều 63.      Trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí của nhà nước

1.  Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức truyền, phát tin về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu theo quy định tại Luật này và pháp luật về báo chí

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác sử dụng hiệu quả các tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu

c) Thường xuyên thông báo cho các cơ quan khí tượng thủy văn nhà nước cung cấp tin về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu ý kiến phản hồi của khán giả, thính giả về chất lượng, nội dung, hình thức các tin về khí tượng thủy văn.

2.  Đài Phát thanh, Truyền hình các tỉnh, thành phố có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức truyền, phát tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn do cơ quan khí tượng thủy văn cấp khu vực, cấp tỉnh chuyển đến phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống thiên tai tại địa phương

b) Phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn địa phương, các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn, khai thác sử dụng các tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.

 

CHƯƠNG XI   

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 64.      Hiệu lực thi hành

1.  Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2.  Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn năm 1994 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 65.      Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ và các cơ quan khác có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật./.

 

Bình luận (FB account):

  Back to Prev Quay lại
* Mục lục tin:
id_5865 (#<i>23835</i>) Giải mã giác quan thứ sáu của động vật (6/12/2011)
id_5536 (#<i>21125</i>) Làm thế nào để tránh sét? (7/7/2011)
id_5311 (#<i>19173</i>) Mây phóng xạ là gì? (9/4/2011)
id_5271 (#<i>19419</i>) Cách thoát nạn khi có động đất (25/3/2011)
id_5265 (#<i>16431</i>) Bạn làm gì để tránh phơi nhiễm phóng xạ? (24/3/2011)
id_5233 (#<i>16931</i>) Sự cố tại nhà máy hạt nhân Nhật diễn ra như thế nào? (17/3/2011)
id_5225 (#<i>18288</i>) “Không nên chạy ra ngoài khi động đất” (15/3/2011)
id_5224 (#<i>17336</i>) Làm sao để sống sót thoát khỏi sóng thần? (15/3/2011)
id_5220 (#<i>20656</i>) Sóng thần tại Nhật hình thành như thế nào? (14/3/2011)
id_4941 (#<i>31227</i>) Động đất hình thành như thế nào? (28/10/2010)  Back to Page 3  Next to Page 5

Mục tin khác:

ThoitietVietnam.VN
[Tin tức-Sự kiện] [Dự báo thời tiết] [Happy Weekend]
[Thời tiết sân bay] [Biến đổi khí hậu] [Động đất-Sóng thần] [Phổ biến kiến thức]
[Sản phẩm và dịch vụ] [Giải pháp e-Weather] [Ảnh-Video-Multimedia] [Bản đồ Web]
[Bản đồ biển Đông] [GRIB/BUFR-Demo] [Aurie-18E Demo] [Dự báo MM5] [RAMS-VNU Demo]
free counters
Tin nổi bật
  • BẢN TIN THỜI TIẾT HÀNG NGÀY QUA Facebook Thoitiet (time-line)

    (62019)
  • BẢN TIN THỜI TIẾT KTTV HÀNG NGÀY Facebook Thoitiet (time-line)

    (103633)
  • BẢN TIN THỜI TIẾT HÀNG KHÔNG Facebook Thoitiet (time-line)

    (25248)
  • NHẬN ĐỊNH XU THẾ THỜI TIẾT THÁNG 7 NĂM 2017 (12104)
  • Bản đồ NOAA, Nhiệt độ khu vực Châu Á-Vietnam tháng 5/2017 & MUSIC (30023)
  • Đăng ký thành viên ThờiTiết.NET (Online REG) (32109)
  • BẢN TIN CẬP NHẬT VỀ HIỆN TƯỢNG ENSO VÀ TÌNH HÌNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN (12897)
  • PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP TRONG ỨNG PHÓ THIÊN TAI (15399)
  • VIdeo Clip: Vanessa Mae-The Red Hot Tour, Live at the Royal Albert Hall (22220)
  • KỸ NĂNG DỰ BÁO THỜI TIẾT – HOW TO FORECAST THE WEATHER? (16360)
  • LUẬT KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN (19324)
  • Album Gặp gỡ ICT Mậu Tuất 2018 (41745)
  • VIdeo Clip: Mozart Sonata in C Major and others (28545)
  • Ảnh các icons cho Cut and Paste Decors (Version 2) (19396)
  • Message from M. Jarraud, “World Meteorological Day 2015 – Climate knowledge for climate action” (19160)
  • Một số video về cơn bão Kalmaegi (20770)
  • Nhiệt độ bề mặt biển trên toàn thế giới trong 5 năm qua! (18897)
  • Typhoon Clips for Review and Evaluation (19590)
  • Video clip ve Tsunami (NOAA) (25911)
  • EL NIÑO/LA NIÑA (17016)
  • Super Typhoon Haiyan - CNN (22066)
  • Hải Yến là một trong 4 siêu bão khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại (30995)
  • Music (and Weather) Collection by Nguyen Viet Trung (Dec 2012) (23685)
  • El Niño / La Niña (16725)
  • Ô nhiễm môi trường và video khiến cả thế giới im lặng (31853)
  • Hệ thống giám sát mực nước tự động Scada-H/Scada-X sử dụng công nghệ GSM/openGIS (48840)
  • Google Earth/Sky/Mars 3D Visualization (37335)
  • Tuyển tập Cơ sở dữ liệu Bão trên bản đồ Google Map (61152)
  • GIỚI THIỆU HỆ THỐNG HYDROSYS-VN (32224)
  • Dự báo 3 ngày bằng mô hình RAMS (DEMO) (36404)
  • Bản tin thời tiết hiện tại tại sân bay (METAR bulletin) (54571)
  • Triển khai thành công hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng Hàng không Gia Lâm (KTHK-net 3.0) (58939)
  • Bản tin triều-ngập lụt

    Thời tiết thường thức
    id_9486 (#<i>16266</i>) QUYẾT ĐỊNH Số: 44/2014/QĐ-TTg Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (6/1/2015)
    id_9176 (#<i>27722</i>) "Sự khác biệt giữa một cơn bão (hurricane) và một cơn bão (typhoon) là gì?" (9/10/2014)
    id_9662 (#<i>13907</i>) LUẬT KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN (Dự thảo 2.0) (30/9/2014)
    id_8917 (#<i>18004</i>) Dự báo lũ lụt sớm nhờ dữ liệu từ vũ trụ (26/7/2014)  Back to Page 3  Next to Page 5

    Music ON - Stop
    Theo Bạn, kênh thời tiết nào hữu ích trên Internet?
    Thời tiết qua Email
    Tin nhắn (SMS)
    Qua website
    Không cần thiết
    [ Xem KQ ]
    Quảng bá Logos
    UOW Alumni Chapter of Vietnam Du bao theo RAMS-VNU RAMS-model Technoaid Vietnam CIFPEN









    Tin thời tiết
    Tin bão

    Trở về đầu trang Tro ve dau trang 

    Số trực tuyến: 29442
    Hôm nay: 29442-Hôm qua: 0
    Tháng 4: 29442
    Tổng số truy nhập
    31,305,902
    No# of News: 9,244
    No# of readings: 62,040,342
    Max Reading News: ,208,788
     

    ThoitietVietnam.VN
    Copyright 2004-2013 All Rights Reserved - Tổng hợp từ Internet
    Phát triển bởi InteCom - Technoaid Vietnam - Powered by MVC-Web CMS 1.2
    Trụ sở: Số 72 Ngõ 95/8, Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội - Tel: 04-35641864 - Fax: 04-35641865
    thoitietnet@gmail.com - info@thoitiet.net - intecom@minhviet.com.vn - minhvietsoft@yahoo.com